Bắc Lệ đền thiêng
Vở chèo Bắc Lệ đền thiêng
Cảnh cuối - Bắc Lệ Đền Thiêng
Nhà hát chèo Việt Nam ra mắt khán giả vở mới “Bắc Lệ đền thiêng” (Của đạo diễn Ngọc Minh, Triệu Trung Kiên, Tuấn Cường, chủ nhiệm, phó giám đốc Nguyễn Ngọc Kình, chỉ đạo nghệ thuật Thanh Ngoan) kể về dân làng Lệ Thượng nghèo khó, nhưng vẫn yêu tha thiết ngôi đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, yêu thích hát văn, hầu đồng, với giọng hát linh thiêng, quê mùa. Là những lời hát từ tấm lòng thành kính, ca ngợi công lao bậc tiên thánh, mang điều mầu nhiệm cứu rỗi dân lành khỏi đắng cay, oan khuất. Nhưng bọn thống trị xâm lược Pháp bắt dân phải bỏ các giá đồng, hát văn lễ thánh mẫu. Phải tự tay phá bỏ ngôi đền, bắt dân phải chuyển sang đạo Ca Tô Thiên Chúa. Francis – công sứ Pháp có lòng dạ tham tàn, hắn muốn giết cả tổng dân, cả một dân tộc, nếu cưỡng lại mục đích cai trị của hắn. Con hắn là trung úy Daniel lại có tấm lòng thuần hậu, yêu mảnh đất Việt Nam và những con người hiền thục, yêu hát văn và đơn phương yêu cô gái Thị Nhường đẹp người đẹp nết. Phản đối cha bắt dân phải cải đạo, phá phách đền thờ, can thiệp thô bạo vào những tập tục ngàn đời của người dân bản xứ và dùng vũ lực bắn giết họ. Lão Đặng, lái buôn muối cùng con gái Thị Ngọ làm tay sai, chỉ điểm tổng Cai Kinh có lòng yêu nước, giặc Pháp chặt đầu đem bêu ở Lệ Thượng. Dân làng chuẩn bị khởi nghĩa bị bại lộ, thất bại.
Bắc Lệ đền thiêng
Đạo diễn có công phu dựng vở hoành tráng, kỹ lưỡng, dựng được nhiều cảnh hấp dẫn. Cắt bỏ những cảnh kịch bản chính viết thừa tháng 5 năm 2013, như cảnh bọn cướp đế phá đền Bắc Lệ, tước bỏ yếu tố duy tâm, hai con rắn xanh, trắng từ đền lao ra bắt Thị Ngọ chết vì dám phá đền. Nâng kịch bản lên tầm hay mới như thêm vào màn giao đãi hoành tráng, Daniel hát văn rất hay, và giới thiệu thân phận mình. Như đoạn Thị Nhường hát văn cho Daniel nghe, có cả một đoàn thiếu nữ ra múa uyển chuyển, đẹp. Sửa vai phó sư thành đại úy do Phan Hiền đóng, với lối diễn ngông nghênh, man rợ, cái đầu nghiêng nghiêng, mặt vênh vênh tự phụ, chỉ tay một ngón hách dịch, bắn chết Trưởng lão, và bắt trói dân làng. Kết kịch là cảnh sáng tạo độc đáo. Nghệ thuật biểu diễn của tập thể diễn viên xuất sắc, gần như thăng hoa, hát hay, múa dẻo, sáng tạo nhiều trò diễn lí thú. Từ vai phụ Bắc Hưởng do NS Kim Dung đóng, đến các vai chính đều được khai thác tâm lí nhân vật triệt để, diễn xuất chiếm được cảm tình rung động trong lòng khán giả. NSƯT Minh Thu vai bà Mến chủ đền, diễn tả được thần thái đĩnh đạc, trang nghiêm, xứng là người hương khói cho bậc tiên thánh. Những lúc gặp gian nan bà vẫn vững vàng lái dân làng theo ý sáng suốt của mình. Cảnh diễn hay nhất của chị là lớp lão Đặng theo lệnh đại úy quăng đầu Cai Kinh cảnh báo dân làng. Chị diễn bàng hoàng, sửng sốt vì lời hẹn khởi nghĩa của Cai Kinh không thành. Chị ngậm ngùi, dưng dưng lệ quỳ xuống ôm đầu Cai Kinh và hát câu “đường trường thu rồi” xót xa, uất nghẹn tự đáy lòng:
“Mộng phục quốc tan tành theo mây khói
Chí quật cường dang dở một sớm mai
Linh xưa giặc giữ khiếp oai
Mà nay máu đỏ chất vai anh hùng”.
NS Kim Liên có dáng người cao, khuôn mặt thanh tú, hát hay, mềm mại, chị vào vai Thị Nhường ngọt ngào. Diễn xuất uyển chuyển từ chỗ chỉ là cảm tình với trung úy Daniel vì chuyến đi đón mẹ được anh cứu sống khỏi bọn cướp, chị mang lòng luyến nhớ và dần tìm hiểu được người Pháp có năm bảy loại. Chính vì lẽ đó mà anh Thạch đàn hay, hát ngọt vốn có tình yêu với cô, đem lòng ghen bóng. NS Hoàng Đan vai ông Thuấn diễn được chất khảng khái, dũng khí của một nghệ sĩ đàn giỏi, hát hay. NS Tất Dũng vai anh Thạch diễn được chất chất phác, bình dị quê mùa, thẳm sâu tình yêu quê hương đất nước và cả yêu đơn phương Thị Nhường. NS Lê Thị Bích vai Thị Ngọ diễn tả được tính khinh bạc, đanh đá chua ngoa, lẳng lơ dám bán thân làm tay sai cho giặc. NS Thái Sơn vai lí trưởng, anh diễn xuất sắc vai phản diện, một tên ngu đần, bộp chộp, hấp tấp đi theo chánh tổng quan tây. Anh sáng tạo cắm hai ria dài, mở mắt to, thêm nét vẽ dọc, làm cho khuôn mặt dài hom hem, hắc ám, dáng đi thất thểu. Anh hát rất hay nhưng cay đắng cho thân phận tay sai nhục nhã của mình. NS Duy Đông vai Daniel, anh diễn tả một thiếu úy Pháp yêu tự do, lẽ công bằng, yêu say mảnh đất và con người Việt Nam. Phản kháng lại cha mình bất nhẫn, tàn ác và thẫn thở đau khổ trước cảnh dân Lệ Thượng bị khủng bố đẫm máu. NSƯT Phú Kiên diễn tả được một quan công sứ Pháp tỏ vẻ hào hoa, lịch sự nhưng tàn ác đến tận cùng.
Tuy vậy vở diễn hơi dài, cần tăng tốc độ diễn xuất. Có thể cắt bỏ lớp Thị Ngọ hát Sa lệch chênh cùng công sứ Pháp, và công sứ Pháp bế Thị Ngọ vào màn loan cùng hát trữ tình. Bà đền sau khi tiễn tráng sĩ đi rồi còn lại một mình, hát tỏ lòng vui, hồi hộp, đón chờ khởi nghĩa, kéo quá dài.
Cảnh kết của vở là một sáng tạo độc đáo, giặc Pháp ra lệnh đàn áp hầu đồng hay phá bỏ ngôi đền. Dân làng nhất tề theo bà đền chọn đàn sao hát chầu văn, hầu đồng lễ thánh. Cảnh múa nhịp nhàng uyển chuyển, xen trong tiếng hát văn vang lên át hẳn mọi tiếng động, âm vang cả một vùng sơn cước, bỗng tên công sứ bắn bà đền gục ngã, Thị Nhường xông lên, thay mẹ hát với tấm lòng phẫn uất, giọng hát văn cao, say đắm với nhịp múa đẹp đầy thuyết phục. Không chịu được sự thách thức của dân làng chỉ có tay không và câu hát. Giặc Pháp dàn hàng ngang bắn, bắn nhất loạt. Một bi kịch thảm cảnh, khốc liệt diễn ra. Im lặng. Một vùng máu chảy và khói lửa mịt mù. Daniel gục khóc bên các thi hài. Bỗng vang lên tiếng gọi vang vọng của một em bé gái: “Già đền ơi! Ông Thuấn ơi! Cô Nhường ơi!” Em bé xuất hiện, do bé Minh Thu đóng, ngây thơ, như gà con tìm mẹ, em đi vòng quanh các xác chết. Rồi một giọng hát văn vang lên, phá tan cảnh bi kịch thành tráng ca, lạc quan, bi hùng. Một nền văn hóa của ông cha nối đời đời, không kẻ thù nào khuất phục nổi. Nền văn hóa dân tộc vẫn trường tồn. Đạo diễn Ngọc Minh, Tuấn Cường đã dựng lên cảnh bi hùng lạc quan đó, hợp lô-gíc nội dung vở chèo.